Đâu ai ngờ một cậu bé mồ côi từng sống chui rúc trong khu ổ chuột ở châu Phi, nhờ sự trợ giúp của một nữ thiện nguyện người Mỹ, nay có thể trở thành sinh viên của đại học Harvard danh tiếng.
Khi mới 9 tuổi và mồ côi cả cha lẫn mẹ do nạn diệt chủng, Uwayesu đã phải sống trong một chiếc ô tô cháy rụi bỏ lại ở bãi rác Rwanda. Ban ngày, cậu sống nhờ ăn xin trên phố và không được tắm rửa trong suốt hơn một năm trời.
Vào một ngày chủ nhật, khi đến thăm khu ổ chuột, bà Clare Effiong, nhân viên từ thiện, người Mỹ chú ý ngay cậu bé Justus Uwayesu đang thức trong khi rất nhiều trẻ em khác nằm la liệt khắp khu ổ chuột. Bà hỏi cậu bé điều gì khiến cậu thức như vậy.
"Cháu muốn đến trường", cậu bé trả lời.
Và ước mơ của cậu trở thành sự thật.
Mùa thu này, Uwayesu trở thành sinh viên năm nhất tại Đại học Havard, với chuyên ngành toán học, kinh tế và nhân quyền. Cậu nhận học bổng toàn phần và dự kiến sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học cao học về khoa học. Vẻ ngoài của Uwayesu không khác mấy các sinh viên cùng chang lứa đang theo học tại trường, cũng quần jean, áo len và giày thể thao.
Nhưng tất nhiên, anh không giống họ. Anh là một ví dụ điểm hình, một lời nhắc nhở nghiêm túc cho sự vươn lên khỏi những ám ảnh tuyệt vọng nhất của nhân loại.
Hơn 13 năm kể từ khi thoát khỏi bãi rác cháy âm ỉ từng là nơi trú ẩn của mình, Uwayesu đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một trong số những sinh viên hàng đầu quốc gia. Ngay những ngày còn học tại Rwanda, Uwayesu đã trau dồi 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Swahili và cả Lingala. Uwayesu chịu trách nhiệm giám sát chương trình dạy kèm học sinh trung học. Đồng thời, anh cũng giúp đỡ thành lập tổ chức từ thiện thanh thiếu niên tại các trường trung học trên toàn quốc, mua bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo và cung cấp viện trợ y tế và học tập cho nhiều người khác.
Anh luôn ngạc nhiên và thích thú mỗi lần tiếp xúc với nền văn hóa mới.
"Tôi đã thử ăn tôm hùm, và tôi nghĩ phải 'vật lộn' mới ăn được món này. Bạn phải xử lý vỏ tôm trước khi thưởng thức được thứ thịt bên trong. Và mùi vị thế nào ư? Tôi không chắc là mình thích món này", anh nói.
Sinh ra trong thời kì diệt chủng tộc người Tutsi năm 1994, anh vui mừng khi được tiếp xúc với văn hóa đa sắc ở Đại học Harvard. Anh đã rất sửng sốt khi mọi người chấp nhận giới tính thứ 3 trong trường học. "Đó không phải là điều tôi có thể nghe kể ở Rwanda cũng như việc khó có thể nhận ra đâu là người giàu, đâu là người nghèo" ở đây.
Anh kể rằng bốn người bạn cùng phòng đến từ bang Connecticut, Hawaii đã giúp anh rất nhiều trong việc hòa nhập cuộc sống ở Boston. Tuy nhiên, anh vẫn đang cố gắng tự mình khám phá văn hóa Mỹ, nền văn hóa đa dạng và hiện đại hơn so với quê nhà.
"Mọi người luôn làm việc chăm chỉ. Họ làm việc và di chuyển nhanh chóng. Họ nói cho bạn sự thật; họ kể cho bạn những kinh nghiệm bản thân. Ở Rwanda, chúng tôi có cách nói chuyện khác với người lớn tuổi. Chúng tôi không được nói lớn hay nổi cáu. Nhưng ở đây, bạn được suy nghĩ độc lập".
Sinh ra ở vùng nông thôn phía đông Rwanda, Uwayesu mất cả cha lẫn mẹ khi mới 3 tuổi trong một cuộc tàn sát chính trị cướp đi sinh mạng của 800,000 người chỉ trong 100 ngày. Nhân viên Hội Chữ thập đỏ cứu sống anh cùng 3 người anh chị em của mình, và mang đi nơi khác chăm sóc. Đến năm 1998, rất nhiều trẻ em mồ côi khác yêu cầu nhân viên cứu trợ phải đưa trả họ về nơi chúng sinh ra.
Tất cả trẻ em được đưa về Rwanda."Tôi bị duy sinh dưỡng. Anh trai đã nói với tôi rằng anh ấy sẽ ra ngoài để tìm thức ăn, nhưng sau đó lại trở về tay không. Có những hôm chúng tôi không có gì nấu ăn cả", anh Uwayesu kể lại.
Năm 2000, Uwayesu và anh trai của mình lang thang đến Kigali, thủ đô Rwanda với 1 triệu dân, tìm kiếm thức ăn và sự giúp đỡ. Tuy nhiên, hai anh em dừng lại ở Ruviri, một bãi rác ngổn ngang ở vùng ngoại ô của thành phố, nơi cư trú của hàng trăm trẻ mồ côi và những đàn lợn.
Uwayesu tìm thấy "ngôi nhà" cho mình, tuy nhiên anh phải chia sẻ nó với hai đứa trẻ khác. Đó là một chiếc xe bị vứt bỏ, có cửa kính bị vỡ, và sàn xe la liệt bìa thùng cát tông. "Trong suốt một năm rưỡi ở đó, chúng tôi chẳng thể làm gì ngoài kiếm thức ăn và chỗ ngủ. Chẳng có nước, tất cả mọi người đều không tắm. Điều duy nhất trẻ em mong muốn là có thứ gì đó ấm áp trong đêm lạnh, một thứ gì đó thực sự ấm áp".
Uwayesu học cách phát hiện ra những chiếc xe tải của khách sạn và tiệm bánh mang theo những phần thức ăn thừa thơm ngon nhất, để nhặt lấy phần cho mình trước khi họ phân phát cho những đứa trẻ chậm chạp hơn.
Với những ngày không có gì để ăn, thường vào chủ nhật hoặc khi những đứa lớn hơn chiếm lấy tất cả khẩu phần, cậu bé Uwayesu vẫn có đồ tích trữ trong chiếc hộp thiếc bỏ đi. Cậu đặt nó vào thùng rác có lửa than hồng để giữ ấm thức ăn.
Uwayesu từng đi lại khập khiễng do bị ngã khỏi chiếc xe tải chở rác, và một lần khác, gần như bị chôn sống khi một xe ủi đất đẩy rác xuống hố.
Tuy mới 9 tuổi nhưng Justus đã phải trải qua đêm kinh hoàng khi một con hổ đi lang thang khắp các bãi chứa rác, có ý định tấn công cậu. Khi ăn xin trên đường phố vào ban ngày, cậu nhìn thấy một thế giới khác xa với nơi cậu đang sống. "Vào buổi trưa, các bạn học sinh vui vẻ trong bộ quần áo đồng phục, chạy chơi tung tăng trên đường về nhà. Đôi khi, lũ trẻ gọi tôi là "con hoang". Chúng biết cuộc sống của chúng tôi khác biệt như thế nào".
"Đó là quãng thời gian thực sự đen tối, tôi chẳng thấy gì từ tương lai của mình. Tôi không biết làm thế nào để cuộc sống tốt hơn hoặc làm thế nào tôi có thể thoát ra được".
Hoàn toàn tình cờ, bà Effiong xuất hiện như một vị cứu tinh của cuộc đời cậu.
Tổ chức từ thiện mà bà Efiong thành lập ở New Rochelle, New York, quỹ Esther, quyết định năm 2000 sẽ là năm tập trung giúp đỡ trẻ mồ côi ở Rwanda. Một ngày chủ nhật năm 2001, sau khi vận chuyển một thùng hàng thực phẩm và quần áo đến Rwanda, bà bắt taxi đến bãi chứa rác, chứng kiến cảnh trẻ mồi côi đánh nhau, và sau khi trò chuyện, bà ngỏ lời đưa chúng đến một nơi an toàn.
Chỉ có Uwayesu đồng ý lời đề nghị của bà. "Tôi đã đưa cậu bé đến nơi tôi sống, tắm rửa, thay quần áo, làm sạch những vết thương trên người và gửi cậu bé đến trường tiểu học", bà nói
Trong năm học đầu tiên, Uwayesu đứng đầu lớp. Những năm sau đó, anh cũng đạt được thành tích tốt. Anh thường đạt điểm A ở trường trung học và được nhận vào một trường chuyên về khoa học.
Uwayesu sau đó được đưa đến sống cùng chị em tại một trại trẻ mồ côi do quỹ Esther thành lập, đây cũng là nơi bà Effiong sống trong khi ở Kigali. Trong suốt những năm tháng đi học, Uwayesu tham gia hoạt động ở một tổ chức từ thiện, mở trường dạy nấu ăn cho các em gái, xây dựng khuôn viên cho trẻ mồ côi.
"Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhờ bà ấy", anh nói.
Justus sẽ không thể theo học đại học tại Mỹ nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, anh nộp đơn và giành một xuất theo học chương trình Bridge2Rwanda, được thành lập bởi một quỹ từ thiện ở Little Rock, Ark, chuẩn bị cho sinh viên ưu tú trước khi ứng tuyển đại học.
Gần một thập kỷ trôi qua, giám đốc tuyển sinh quốc tế Đại học Harvard, đã đích thân đi tìm các ứng cử viên tiềm năng khắp châu Phi.
Giống như hầu hết các trường đại học hàng đầu khác, Harvard chọn lựa tân sinh viên không dựa trên khả năng chi trả học phí. Nhưng cho đến nay, trong khuôn viên trường Cambridge, chỉ có duy nhất một sinh viên năm thứ hai đến từ Rwanda, Juliette Musabeyezu, đang theo học.
Trong số 25 ứng viên người châu Phi được tuyển trường Harvard, chỉ có ba người đến từ Rwanda, trong đó có một học sinh của chương trình Bridge2Rwanda .
Đó là con số không tồi đối với một nước nhỏ khi chỉ có một phần trăm dân số châu Phi sinh sống.
Tựa đề một bức ảnh được đăng tải trên trang Facebook cá nhân của Musabeyezu có ghi: "Người của đất nước tôi cuối cùng cũng ở đây".
Nguồn: vnexpress.net