Xây dựng phòng Marketing gồm những vị trí nào?

Trong quá trình phát triển của nền kinh tế, marketing đã dần chuyển biến từ một chức năng bán hàng đơn thuần thành một tập hợp các hoạt động phức tạp. Các hoạt động marketing không phải lúc nào cũng kết hợp hiệu quả với nhau và với các bộ phận khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên vai trò to lớn của marketing đối với sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp là không thể phủ nhận.

Ngày nay, phòng marketing trở thành sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài với 5 giai đoạn phát triển và các hình thức tổ chức khác nhau. Trong bài viết này IncomSoft sẽ cùng bạn khám phá xem phòng marketing gồm những gì, mà có thể tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp như thế.


1. Sơ đồ tổ chức phòng Marketing? 

Tùy thuộc vào ngành nghề và quy mô mà mỗi công ty sẽ có lựa chọn khác nhau trong việc phòng marketing cần có những vị trí nào hay cần có những bộ phận nào. Theo quan sát của IncomSoft thì các nhân sự cần thiết cho phòng marketing theo xu hướng hiện đại sẽ bao gồm các vị trí nhân sự sau đây:

Thứ nhất là nhóm quản lý (management) 

Nhóm này làTrưởng phòng marketing hay leader, cao cấp hơn thì sẽ có CMO – Giám đốc marketing.
Đây là vị trí quan trọng, quyết định hướng đi của các chiến dịch marketing. Đồng thời cũng chịu trách nhiệm cho sự thành bại của các chiến dịch. Trách nhiệm của người đứng đầu phòng marketing là lập kế hoạch, chiến lược, quản lý chi tiêu, phân bổ ngân sách cho hợp lý, đặt ra chỉ tiêu KPI cho nhân sự và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc. Những người lên kế hoạch này cần có kinh nghiệm trong ngành, am hiểu một số kênh truyền thông và quảng cáo nhất định, có thể quản lý, đánh giá và hỗ trợ cấp dưới khi họ gặp khó khăn trong công việc.

Thứ hai là nhóm đảm nhận vai trò sáng tạo nội dung (content) 

Nhóm này gồm có các vị trí copywriter, designer và video editor. Copywriter là người  đảm nhiệm về phần text, concept, script trên các nền tảng, kênh truyền thông. Họ sẽ sáng tạo ra nội dung hoặc có thể sử dụng lại các ý tưởng đã có rồi viết lại hay hơn, sáng tạo ra những tagline, thủ pháp viết bài, lên concept... Designer là người hỗ trợ copywriter sáng tạo ra các nội dung mới, họ chịu trách nhiệm đảm bảo mặt thẩm mỹ, thiết kế sao cho chuyên nghiệp, giữ đúng hình ảnh nhận diện của thương hiệu và đảm bảo truyền tải được thông điệp do copywriter tạo ra hay đạt được mục tiêu của chiến dịch marketing. Việc tạo ra nội dung không thể thiếu các video và nhiệm vụ làm cho các video trở nên chuyên nghiệp và thu hút nhất sẽ do video editor đảm nhận. Công ty có thể lựa chọn thuê ngoài hoàn toàn nhóm nội dung, tuy nhiên vị trí copywriter nên do người trong nội bộ công ty đảm nhận vì họ hiểu sản phẩm, khách hàng và công ty rõ nhất.

Thứ ba là nhóm quản lý kỹ thuật (technique) 

Nhóm này thường gồm các vị trí SEO, quảng cáo, CRM, email marketing, kỹ thuật web, coder... Tương tự như nhóm nội dung, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê ngoài đối với các vị trí nhân sự trong nhóm kỹ thuật nếu lượng công việc ít. Trên thị trường hiện tại có khá nhiều công ty cung cấp các dịch vụ này rất tốt và chuyên nghiệp.

Thứ tư là nhóm booking 

Được biết đến là những người chuyên làm công việc liên hệ với các đối tác truyền thông, đặt các bài PR trên báo hay trên các hot fanpage, liên hệ book KOLs, làm việc với bên tổ chức sự kiện… Nếu khối lượng công việc không lớn thì CMO sẽ đảm nhận luôn phần công việc này. Với những công ty thường xuyên tổ chức sự kiện thì phải có 1 người hay nhóm chuyên tổ chức các event này. Ngoài ra còn có một vị trí là customer service. Họ chịu trách nhiệm quản lý fanpage, trả lời comment hay inbox của khách hàng, gọi điện tư vấn cho khách hàng… Trong digital marketing thì việc tương tác trực tuyến với khách hàng sẽ được đánh giá cao vì mang lại trải nghiệm tốt cho khách hàng khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ.



 

2. Quy trình làm việc của phòng marketing 

 

Để hoạt động marketing mang lại hiệu quả cao và tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng thì phòng marketing cần có quy trình làm việc cụ thể và phối hợp thật nhịp nhàng giữa các thành viên trong bộ phận. Dưới đây là một quy trình làm việc điển hình của phòng marketing:

Bước 1, xác định mục tiêu chiến dịch marketing.
Đây là kim chỉ nam giúp xác định phương pháp marketing phù hợp. Mục tiêu marketing thường được xác định theo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Bước 2, phân tích thị trường.
Khi đã xác định được mục tiêu, phòng marketing sẽ tiến hành phân tích thị trường để biết được nhu cầu của khách hàng, hiểu rõ đối thủ cạnh tranh và các yếu tố ảnh hưởng đến sản phẩm, dịch vụ của công ty.

Bước 3, chọn phân khúc thị trường.
Dựa trên kết quả phân tích thị trường, phòng marketing sẽ đưa ra lựa chọn phân khúc thị trường thích hợp bao gồm đối tượng khách hàng, độ tuổi, giới tính, sở thích… Qua đó xác định thị trường ngách để tập trung quảng bá.

Bước 4, tiến hành hoạch định chiến lược marketing.
Việc này nhằm tạo ra các kế hoạch cụ thể để biết cần làm gì và không nên làm gì, nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho các chiến dịch marketing.

Bước 5, xây dựng kế hoạch phân phối sản phẩm.
Trong kinh doanh người đầu tiên mang hàng hóa đến tay người tiêu dùng là người thành công. Vì vậy, phòng marketing cần có kế hoạch phân phối hiệu quả để mang hàng hóa đến tay khách hàng sớm nhất hoặc có thể chọn phương án thuê đối tác phân phối bên ngoài.

Bước 6, xây dựng chiến lược giá.
Phòng marketing cần xây dựng một chiến lược giá vừa đảm bảo yếu tố cạnh tranh trên thị trường vừa đảm bảo tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Bước 7, xây dựng chiến lược truyền thông.
Thực hiện việc truyền thông tốt sẽ giúp khách hàng biết đến sản phẩm và thương hiệu của công ty.

Bước 8, đo lường, đánh giá kết quả chiến dịch marketing.
Mặc dù các kế hoạch luôn được lên rất chi tiết nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra một cách hoàn hảo, không có sai sót gì. Hơn nữa nhu cầu khách hàng cũng thay đổi liên tục. Vì vậy việc đo lường, đánh giá và rút kinh nghiệm để có những kế hoạch tốt hơn, hiệu quả hơn là rất cần thiết.




 

3. Báo cáo kết quả hoạt động marketing 

Định kỳ theo tháng, quý hay năm, trưởng phòng marketing sẽ có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động cho Ban Giám đốc công ty, đưa ra các đánh giá, điều chỉnh cần thiết để tối ưu hóa hoạt động marketing. Đồng thời trình bày kế hoạch và dự tính ngân sách cần thiết cho hoạt động marketing trong thời gian tới.

 

Nguồn: Hrchannels.com

 

lên đầu trang